Khi người lao động ký đồng thời nhiều hợp đồng lao động, việc tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) là một trong những vấn đề thường gây thắc mắc. Theo quy định, người lao động chỉ đóng BHXH bắt buộc theo hợp đồng lao động đầu tiên có hiệu lực, trong khi các hợp đồng khác có thể yêu cầu tham gia BHYT hoặc BHTN tùy trường hợp. Việc hiểu rõ quy định không chỉ giúp người lao động bảo vệ đầy đủ quyền lợi của mình mà còn đảm bảo doanh nghiệp thực hiện đúng trách nhiệm pháp lý. Điều này giúp tránh được các rủi ro liên quan đến vi phạm pháp luật và chi phí phát sinh không đáng có. Cả người lao động và doanh nghiệp cần hợp tác chặt chẽ để minh bạch thông tin và tuân thủ quy định bảo hiểm. Đây là yếu tố quan trọng trong việc xây dựng môi trường làm việc chuyên nghiệp và bền vững.
1. Nghĩa vụ tham gia BHXH khi ký nhiều hợp đồng lao động
Theo quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội 2014, khi người lao động có nhiều hợp đồng lao động thì:- BHXH: đóng BHXH theo hợp đồng lao động giao kết đầu tiên
- BHYT: đóng BHYT theo hợp đồng lao động có mức tiền lương cao nhất.
- BHTN: đóng BHXH theo hợp đồng lao động giao kết đầu tiên
- BHTNLĐ-BNN: Đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo từng hợp đồng lao động.
Tuy nhiên, trên thực tế hiện các cơ quan BHXH đang quản lý như sau:
Người lao động sẽ tham gia đóng BHXH bắt buộc đầy đủ ở công ty thứ nhất, Công ty thứ 2 sẽ đóng 0.5% BHTNLĐ-BNN, công ty thứ 3 sẽ đóng 0.5% BHTNLĐ-BNN……
Đối với hợp đồng lao động còn lại mà không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả thêm cùng lúc với kỳ trả lương một khoản tiền cho người lao động tương đương với mức người sử dụng lao động đóng BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN cho người lao động theo quy định của pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN.
Lưu ý:
- Hợp đồng đầu tiên được hiểu là hợp đồng có hiệu lực sớm nhất và thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.
2. Tình huống cụ thể và cách xử lý
- Trường hợp ký hai hợp đồng cùng lúc:
Người lao động cần thông báo với các bên sử dụng lao động về việc tham gia BHXH, BHYT, BHTN tại bất kỳ công ty nào khác để tránh trùng lặp về BHXH.
- Trường hợp hợp đồng thứ hai có lương cao hơn:
BHXH bắt buộc vẫn đóng đầy đủ theo hợp đồng đầu tiên.
Công ty thứ 2 sẽ đăng ký đóng 0.5% BHTNLĐ-BNN.
Đồng thời, Công ty thứ 2 có trách nhiệm chi trả thêm cùng lúc với kỳ trả lương một khoản tiền cho người lao động tương đương với mức người sử dụng lao động đóng BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN cho người lao động theo quy định của pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN.
3. Hậu quả nếu vi phạm quy định BHXH
- Đối với người lao động: Nếu không thông báo chính xác, có thể bị đóng trùng BHXH hoặc mất quyền lợi bảo hiểm.
- Đối với doanh nghiệp: Việc không thực hiện đúng quy định sẽ bị xử phạt hành chính, ảnh hưởng đến quyền lợi của Người lao động.
4. Lợi ích khi hiểu đúng quy định BHXH
- Đảm bảo quyền lợi bảo hiểm dài hạn, đặc biệt là chế độ hưu trí và ốm đau.
- Giúp doanh nghiệp tuân thủ pháp luật, tránh các chi phí phát sinh từ vi phạm.
Kết luận
Việc tham gia BHXH khi ký nhiều hợp đồng lao động tưởng chừng phức tạp nhưng sẽ đơn giản hơn nếu bạn hiểu rõ quy định. Đừng để các vấn đề pháp lý ảnh hưởng đến quyền lợi và uy tín doanh nghiệp.Nếu cần hỗ trợ tư vấn liên quan đến Bảo hiểm xã hội, đừng ngần ngại liên hệ với đội ngũ chuyên nghiệp của TPM. Chúng tôi luôn sẵn sàng đồng hành cùng bạn.
Do Thi Thu Quynh– Head of Payroll and HR services – quynh.do@tpm.com.vn
Nguồn tham khảo:
Luật BHXH số 58/2014/QH13 ngày 20/11/2014Luật việc làm số 38/2013/QH13 ngày 16/11/2013
Nghị định 28/2015/NĐ-CP ngày 12/03/2015
Bộ luật Lao động năm 2019 ngày 20/11/2019
Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12/03/2015
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT năm 2014 ngày 13/06/2024
Luật an toàn, vệ sinh lao động năm 2015 ngày 25/06/2015