honggoanh
Thành viên khởi nghiệp 0397775262
Sau những ngày Tết Nguyên Đán ngập tràn niềm vui cùng những nhánh mai vàng khoe sắc thắm, hoa mai bắt đầu tàn, khi đó nếu bạn muốn tiết kiệm được tiền mua một chậu cảnh mới mà vẫn có một chậu mai vàng ưng ý để chơi Tết năm sau thì bạn phải có kỹ thuật chăm sóc mai vàng sau tết để năm sau mai lại đơm hoa kết nhụy.
Công việc chăm sóc mai vàng sau Tết cần làm sớm ngay từ mùng 8 - 10 tháng Giêng nếu không muốn cây bị mất sức và bị sâu bệnh tấn công.
Tuy nhiên việc này không hề đơn giản và sẽ là công dã tràng nếu bạn không biết cách chăm sóc mai sau tết. Với kinh nghiệm trồng mai nhiều năm, tôi khuyên bạn chỉ cần lưu ý 7 điều này khi chăm sóc mai vàng sau tết chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả tuyệt vời.
1. Cắt bỏ hết hoa và nụ hoa
Nếu là cây mai đang mọc ở ngoài vườn thì có thể cắt bỏ ngay nụ và hoa. Chỉ nên cắt giữa cuống hoa, giữ lại cọng đài hoa vì chỗ này có thể sẽ cho nhiều chồi mới. Còn nếu cây mai đang ở trong nhà thì cần mang ra ngoài trời, nơi có nắng sớm chiếu vào; khoảng một tuần sau tết khi cây quen dần với thời tiết bên ngoài mới bắt đầu cắt nụ, cắt hoa.
Không nên giữ hoa để lấy hạt giống trên những cây mai già, như vậy phải chờ khoảng hai tháng sau hạt mai mới già, khiến cây mai mất sức do nuôi quá nhiều hạt. Lúc ấy muốn chỉnh sửa, cắt tỉa tạo dáng mai thì đã muộn. Nên lấy hạt giống ở những cây mai còn trẻ, hoa nở sung mãn.
2. Đưa cây mai vàng vào môi trường khô thoáng
Nên chuyển những cây mai vàng vào trong môi trường khô thoáng do bạn tự tạo ra để chăm sóc vì cây mai chịu hạn tốt hơn chịu ẩm ướt với lại môi trường ẩm ướt dễ phát sinh sâu bệnh hơn.
3. Tỉa cành
Để rút ngắn thời gian chăm sóc cây mai sau tết, bạn phải tiến hành cắt tỉa bớt cành của nó trước ngày 15 âm lịch và chậm nhất là ngày 20 nhằm ngăn chặn chất dinh dưỡng di chuyển từ lá xuống rễ làm cây phát triển nhanh chóng.
Cần loại bỏ những cành yếu, cành bệnh, cành vô hiệu để cây được khỏe mạnh hơn. Khi cắt tỉa nên xem xét kỹ, chú ý phải để lại ít nhất hai mắt lá trên các cành, nhánh. Điểm cắt tỉa cành nên cách mắt lá khoảng 5 mm. Nếu cắt đúng kỹ thuật này thì từ mỗi chỗ cắt sẽ mọc ra hai chồi mới.
Việc tỉa tán rất quan trọng vì sẽ giúp tạo lại sáng, tán lá cho cây. Khi cành bị cắt đi, chồi non sẽ phát triển thành cành mới, mang theo chồi trên nách lá - chồi này có thể phát triển thành cành mới hoặc thành nụ.
4. Chỉnh sửa dáng cây mai
Là công đoạn không thể thiếu trong quá trình chăm sóc mai sau tết nếu muốn giữ dáng mai để sau này có thể chơi tiếp.
Chỉnh sửa dáng mai thường dùng cọc cắm, lạt chẻ từ tre non hoặc dây kim loại mềm để uốn nắn cành. Uốn chừng ba tháng có thể tháo gỡ dây quấn để tránh tạo lằn không đẹp trên vỏ cành.
5. Thay đất, bón phân cho mai
+ Đối với mai ghép trồng trong chậu:
Nên nhẹ nhàng lấy cây ra khỏi chậu, cào bỏ một lớp đất trồng phía bên ngoài và trên bề mặt của bộ rễ, khối lượng đất được loại bỏ khoảng 1/4 – 1/3 thể tích bầu cây.
Kiểm tra, cắt bỏ những rễ già, hư, bệnh.
Chuẩn bị đất trồng mới gồm: 6 phần tro trấu + 1 phần xơ dừa + 1 phần đất + 2 phần phân hữu cơ hoai mục.
+ Đối với mai mới bứng vào chậu để chưng tết:
Không nên sử dụng phân bón vào thời điểm này, khi cây sống và phát triển tốt sẽ bổ sung phân bón sau. Chỉ tưới nước đủ ẩm để cây mau hồi phục.
+ Đối với những gốc mai trong chậu chỉ cắt tỉa sơ:
Nếu vẫn trồng trong chậu, cần phải thay đất mới bằng cách bỏ bớt khoảng 1/3 đất cũ trong chậu, thay bằng hỗn hợp 3 phần đất mới, 1 phần phân hữu cơ. Hòa 15- 25 gam phân NPK 20-20-15 đầu trâu trong 10 lít nước, tưới đều vào gốc mai. Tiếp tục bón thúc và tưới nước, phun phân bón lá theo chu kỳ mới.
Sau khi thay đất, thay chậu xong nên phun thuốc ngừa nấm bệnh cho cây. Nên để cây mai ở vị trí bóng râm, ít nắng và khô ráo. Khi cây đã có dấu hiệu hồi phục thì chuyển ra nắng hoàn toàn. Nên tưới đủ ẩm cho cây, không để cây thừa hoặc thiếu nước. Khoảng 1 tháng sau (khi cây đã hồi phục) có thể bổ sung thêm phân bón qua lá để cây phát triển tốt. Khi cây mai phát triển hoàn toàn thì có thể sử dụng thêm phân vô cơ để thúc đẩy cây phát triển mạnh hơn.
6. Phun thuốc kích thích sinh trưởng cho mai đâm chồi mới
Dùng loại Atonik để phun lá là hiệu nghiệm nhất, với nồng độ 10 ml/16 lít nước. Phun thuốc này 3 – 4 lần, mỗi lần cách nhau 7 – 10 ngày. Có thể dùng phân vi sinh hữu cơ hòa tan với nước tưới vào gốc cho chồi mau phát.
Nếu thấy cây hồi sức lại và đâm chồi xanh thì bạn không cần phun thuốc kích thích chồi lá nữa còn nếu không thì bạn cần phun thuốc với liều lượng như hướng dẫn trên bao bì. Khi thấy cành mai không phát triển nhiều, bạn dùng thêm 1g thuốc GA3 pha cùng 30-40 lít nước để phun lên cây và tưới quanh gốc.
7. Phòng trừ sâu hại lá
Vấn đề này cần đặc biệt lưu ý khi chăm sóc mai sau tết vì ở thời điểm này do mai có nhiều lá non nên các loại sâu bệnh hại, đặc biệt là bọ trĩ rất dễ xâm nhập vào cây. Bạn cần pha chung hai loại thuốc có hoạt chất Hexaconazole(Anvil) và Fipronil (Regent) để phun lần đầu sau khi tỉa cành khoảng 10 ngày và phun lần hai khi cây vừa nhú mầm và lần cuối sau khi cây lá cây vừa già.
Thường xuyên theo dõi các đối tượng gây hại này nhất là trong thời kỳ chồi đang mọc lá non. Nên phun thuốc trừ sâu khi cây vừa nhú chồi để bảo vệ chồi non của cây mai phát triển, không bị sâu hại cán phá.
Các công đoạn chăm sóc mai sau tết cần hoàn tất trước rằm tháng ba âm lịch để tránh tiết trời oi bức những ngày cuối xuân, giữ cho mai không bị khô héo.
Trên đây là 7 điều cần lưu ý và các kỹ thuật chăm sóc mai sau tết được tôi chắt chiêu và đã được áp dụng hiệu quả từ trước đến nay. Hy vọng bài viết có thể giúp được mọi người có thể tự mình biết cách chăm sóc mai sau tết ở tại nhà để sau này có thể tiếp tục mang những chậu mai vàng rực rỡ trưng bày vào những dịp Tết Nguyên Đán. Chúc các bạn thành công!