peacelife
Thành viên gắn bó 0943622212
Rượu bia luôn được coi là những thức uống có hại cho sức khỏe con người, đặc biệt là đối với lá gan. Chúng sẽ làm tăng lượng mỡ ở các mô dự trữ trong cơ thể, cũng như hạn chế quá trình tổng hợp lipoptrotein và ức chế lên sự thải mỡ ở gan. Điều này làm cho chức năng gan bị giảm đi, đồng thời mỡ ở gan sẽ tăng lên. Với bệnh nhân bị gan nhiễm mỡ cấp tính có thể sẽ bị đau bụng cấp vùng gan do căng bao gan.
Uống quá nhiều rượu, gan sẽ bị "kiệt quệ" và chất aldehýt là độc chất được tạo ra từ rượu sẽ trực tiếp phá hủy tế bào gan. Mặt khác, tửu lượng của mỗi người cũng rất khác nhau. Có người chỉ cần uống vài ly là mặt đỏ bừng, choáng váng, nhức đầu buộc phải dừng nhưng cũng có người càng uống mặt tái xanh và vẫn tỉnh bơ. Đó là do khả năng chuyển hóa cồn ở gan khác nhau ở mỗi người.
Rượu bia là nguyên nhân gây viêm gan thường gặp, chỉ đứng hàng thứ hai sau viêm gan do siêu vi ở nước ta. Đầu tiên, rượu có thể gây viêm gan cấp tính. Rượu làm rối loạn chuyển hóa mỡ, tăng tích tụ triglyceride ở gan, làm cho gan bị nhiễm mỡ.
Giai đoạn đầu, hầu như bệnh nhân không hề có triệu chứng gì đặc biệt ngoài xét nghiệm cho thấy có tình trạng tăng men gan (men AST, ALT và GGT). Bệnh gan diễn biến thầm lặng và khó nhận biết. Bình thường chỉ có 25% tế bào gan hoạt động, còn 75% để dự trữ. Do vậy, khi hơn 75% tế bào gan bị tổn thương mới có biểu hiện suy chức năng gan trên lâm sàng.
Nếu người bệnh vẫn tiếp tục uống rượu, gan mất dần các khả năng hoạt động, sẽ xuất hiện các biến chứng như cổ trướng (bụng to do tích tụ dịch), ói ra máu, hôn mê, suy thận và có thể chuyển sang ung thư gan... Rượu còn ảnh hưởng đến việc chuyển hóa một số thuốc cho nên khi uống rượu nhiều, bệnh nhân rất dễ bị ngộ độc thuốc, nhất là các loại thuốc có hại cho gan. Đặc biệt là uống paracetamol chung với rượu càng rất nguy hiểm vì sẽ làm cho gan bị viêm hoại tử nặng hơn.
Nếu chỉ là gan nhiễm mỡ đơn thuần hoặc viêm gan nhẹ, việc ngưng rượu có thể giúp gan hồi phục hoàn toàn. Ngay cả khi gan đã bị xơ hóa, việc cai rượu cũng giúp làm giảm hoại tử gan và chậm tiến triển của bệnh. Tuy nhiên, việc từ bỏ rượu còn liên quan đến nhiều yếu tố: ý chí của người bệnh, tình trạng lệ thuộc vào rượu (nghiện rượu) và các điều kiện về gia đình, xã hội, môi trường sống… có giúp bệnh nhân thực hiện được việc từ bỏ rượu hay không?
Do đó các bác sỹ thường khuyên bệnh nhân kiêng hẳn với bia, rượu để phòng cũng như để thuyên giảm bệnh hơn trong quá trình điều trị.