haha1993
Thành viên gắn bó 0976543210
( BBC Viet nam ) Cãi có kết quả là ông Võ Kim Cự, sau khi “lên báo cãi mấy câu”, sau được bầu vào Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nếu mà “cãi” tiếp ông sẽ trở thành “ông gì”?
Từ thời xa lắm, người ta đã thấy các vị lãnh đạo và báo chí đề cập đến chuyện “trên bảo dưới không nghe, nghe xong không làm hoặc làm không đến nơi đến chốn”.Nếu phải chọn một cụm từ ngắn thay cho câu nói hơi dài này thì người viết muốn đề xuất bốn từ: “trên bảo, dưới… ừ”.
Từ “ừ” thường được sử dụng giữa những bạn bè thân mật, trong không khí gia đình đầm ấm và đương nhiên bao hàm ý bình đẳng giữa người nghe và người nói.
Trải qua mấy chục năm, chuyện “trên bảo, dưới ừ” bây giờ hình như đã lạc hậu, hình như đã được nâng cấp thành “trên bảo, dưới… cãi”.
Sở dĩ nói đã được “nâng cấp” bởi “ừ” tuy có thể hiện đôi chút “cá mè một lứa” (dân gian gọi là “hỗn”) nhưng chưa đến mức chống đối (dân gian gọi là “láo”).
“Cãi” là biểu hiện mạnh mẽ, thể hiện sự phản kháng ra mặt, không còn ngấm ngầm, một khi đã cãi thì không có chuyện “vuốt mặt nể mũi”, thì nghĩa là đã quyết định “nhất là bét”.
Trào lưu “cãi” không biết chính xác xuất hiện từ năm nào nhưng có quá nhiều vụ “cãi” được người dân và truyền thông ghi nhận.
Trước đây, nguyên Bộ trưởng Đinh La Thăng từng đề nghị cách chức ông Đàm Xuân Lũy nhưng ông này cho rằng Bộ trưởng chỉ nói cho vui. (Ảnh: VnExpress)
Ông Đinh La Thăng khi làm Bộ trưởng Giao Thông đã từng đề nghị cách chức ông Đàm Xuân Lũy, Giám đốc Sở Giao Thông Hải Phòng, ông Lũy “đốp” rằng: “Bác ấy (Bộ trưởng Thăng) nói cho vui chứ chắc chẳng có ý gì”?Ông Giám đốc Sở bảo ông Bộ trưởng “nói cho vui” phản ánh một thực tế, cách chức đâu phải chuyện chơi, phải theo đúng “quy trình” nhất là cách chức quan đầu Sở ở địa phương.
Ngay sau khi trở thành Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thảnh ủy Thành phố Hồ Chí Minh ông Thăng cũng đâu được quyền cách chức Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường cấp huyện!
Nắm chắc “cán ô” (hay là thóp) thì chẳng có gì phải sợ, thế nên “mần răng được bọ” mà không cãi? “Cãi” càng mạnh càng tăng vị thế bản thân, càng làm đối phương “chột”!
Có điều cãi đâu thì cãi nhưng có nơi tuyệt đối không được cãi, đó là những cơ quan, tổ chức làm nhiệm vụ quản lý cán bộ từ thấp đến cao.
Xin nêu tiếp vài ví dụ về “công nghệ cãi”:
“Hà Tĩnh phản pháo vụ “vượt quyền Chính phủ cho doanh nghiệp nước ngoài thuê đất” là tít bài đăng trên Infonet.vn ngày 3/3/2015 liên quan đến chuyện UBND Hà Tĩnh lập dự án cho doanh nghiệp nước ngoài thuê đất 70 năm.
Bài báo viết: “GS.TSKH Vũ Minh Giang – Phó giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội – phản đối những nội dung kết luận của Thanh tra Chính phủ đối với hoạt động liên kết đào tạo của nhà trường “có nhiều điểm không chuẩn xác, mang tính quy kết” ”. [1]Một quan chức tỉnh này chẳng phải úp mở gì: “UBND tỉnh (Hà Tĩnh) cho rằng đây là một quan điểm áp đặt, máy móc, không thấu tình đạt lý trong kết luận của Thanh tra Chính phủ”?
Ngày 19/6/2012 xuất hiện trên Plo.vn bài báo với tiêu đề “Đại học Quốc gia Hà Nội phản đối kết luận Thanh tra Chính phủ”.
Sau khi “dạy bảo” cán bộ Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cách che giấu thông tin theo kiểu “xấu xa đậy lại”, sau khi mắng cả 20.000 nhà báo, ông quyền Vụ trưởng Vụ III Thanh tra Chính phủ còn cho cả cơ quan mà ông đang công tác bài học nhớ đời về đạo đức khi khẳng định ở cơ quan đó ông “là người liêm khiết nhất”.
Có thể ông Quyền Vụ trưởng đang khơi mào một cuộc “cãi nhau” vì vị quan chức này tuy không nói rõ nhưng ai cũng hiểu rằng khi ông là “nhất” thì đương nhiên cấp trên của ông (đồng cấp và cấp dưới không chấp) sẽ chỉ thuộc hạng nhì, ba hay thuộc “bộ phận không nhỏ”?
Sau khi bổ nhiệm 44 lãnh đạo trong tổng số 46 người tại Sở Lao động-Thương binh-Xã hội Hải Dương, ông nguyên Giám đốc sở này “cãi” cả với cấp trên và truyền thông, rằng “ông làm vì cán bộ, vì nhân dân”, chứ không hề vì thân quen hay cái gì gì đó?
Mấy hôm nay, một vụ “cãi” khác khiến dư luận không thể không chú ý liên quan đến phát biểu của ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội.
Tiếp theo vụ “cắt cỏ trên đại lộ Thàng Long” vụ “bùn Hồ Tây” mà Chủ tịch Nguyễn Đức Chung đề cập nhận được sự quan tâm không chỉ của người dân Thủ đô mà là cả nước.
Bí thư quận ủy Tây Hồ khẳng định, không có chuyện chi trăm tỷ đồng mà không hút được khối bùn nào ở Hồ Tây. (Ảnh: Vietnamnet)
Ý kiến “chi 128 tỷ mà không hút được mét khối bùn nào” của ông Chung nhận được sự phản hồi “tích cực” (hay là cãi?) của Bí thư quận Tây Hồ Nguyễn Văn Thắng, ông Thắng cho rằng không có chuyện “tốn 128 tỷ đồng mà không hút được mét khối bùn nào ở Hồ Tây”.Ông Bí thư Thắng còn khẳng định đã nạo vét được ba vị trí là khu vực đầm Bảy, khu vực chỗ đua thuyền và chỗ đầu rồng. “Vấn đề này đã làm và thực hiện quyết toán theo quy định. Tức là đã có những mét khối bùn cụ thể, chứ nếu không có gì chi bằng ấy thì có mà đi tù”.
Thông tin mới nhất cho biết Quận Tây Hồ báo cáo thành phố đã nạo vét 440.000 mét khối bùn, số bùn này được đổ ở Vĩnh Quỳnh, Đông Anh và Thanh Trì.
Số tiền 128 tỷ đã chi theo ông Thắng chỉ có chút ít gọi là “quản lý phí” mà chính ông cũng lờ mờ không biết chi cho bộ phận nào, bởi nguyên văn lời ông Bí thư quận là: “Tôi chỉ phát biểu với Hội Đồng Nhân dân là phải chi phần chi phí quản lý Hồ Tây do Sở Xây dựng làm hay quận làm”?
Các nhà chuyên môn sau khi nghiên cứu cho rằng, để hút 1,2 triệu mét khối bùn Hồ Tây, ngân sách phải bỏ ra từ 170-180 tỷ đồng tính ra mỗi mét khối hết khoảng 150.000 đồng. [2]
Cứ lấy con số dự kiến lớn nhất là 180 tỷ thì với 128 tỷ đã chi, số bùn nạo vét phải là 853.333 mét khối và diện tích nạo vét tương ứng phải là 356 ha (Hồ Tây rộng hơn 500 ha, chu vi hồ khoảng 17 km).
Làm một phép tính so sánh thế này, tổng diện tích mặt bằng khu đất 8B Lê trực là 5.600 mét vuông, diện tích này tương đương một hình chữ nhật 80×70 mét.
Nếu khối bùn đã hút (hết 128 tỷ đồng) đổ thành đống vào khu đất giả định 8B Lê Trực nêu trên thì chiều cao của khối sẽ là 152 mét, gấp gần ba lần chiều cao cho phép của tòa nhà này (53 mét).
Với 440.000 mét khối đã hút và địa điểm đổ bùn cũng đã được công bố, nếu Chủ tịch thành phố muốn kiểm tra không khó, cái khó là chỉ sợ mưa gió đã cuốn trôi hết số bùn này thì không còn gì mà đo đạc.
Còn một chuyện nữa là cứ theo “cái lý” của các nhà chuyên môn thì hút 440.000 mét khối bùn, mỗi khối hết 150.000 đồng thì số tiền phải chi là 66 tỷ chứ không phải là 128 tỷ?
Câu chuyện “cãi” nếu mà tiếp tục sẽ còn nhiều chuyện vừa bi vừa hài. Chẳng hạn có ông nguyên Bộ trưởng bị truy vấn trước Quốc hội đã “cãi” rằng ông hết thời gian rồi, chuyện tồn tại xin nhường Bộ trưởng nhiệm kỳ sau giải quyết…
Vấn đề cần bàn tiếp là đội ngũ tham mưu làm gì khi cung cấp thông tin chưa kiểm chứng cho lãnh đạo và liệu lãnh đạo có cần rà soát những thông tin “nhạy cảm” trước khi phát biểu?
Bài học 50 cơ quan báo chí và một số nhà báo bị kỷ luật vừa qua một phần liên quan đến đạo đức người làm báo nhưng cũng có phần là do thiếu thông tin và thông tin chưa được kiểm chứng.
Ví dụ lãnh đạo ngành Giao thông yêu cầu hạn chế hàng không dân dụng dành thị phần cho ngành đường sắt hay các chống chế của lãnh đạo một số cơ quan về thực phẩm bẩn,…Việc một vài đại biểu Quốc hội và quan chức cao cấp phát ngôn chưa cẩn trọng khiến dư luận buộc phải “cãi” không phải là hiếm, nguyên Bộ trưởng Nông nghiệp Cao Đức Phát đã phải xin lỗi dân vì câu nói: “đa số thực phẩm là an toàn nhưng người dân không biết“.
Đánh giá trường hợp ông Võ Kim Cự, Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh nhận xét: “Không thể ông lên báo rồi cãi mấy câu, chống chế là xong việc đâu. Anh nói rằng là ký vì có 12 bộ, ngành đã đồng ý thì cần phải kiểm tra có đúng là 12 bộ, ngành không? Luật quy định là 50 năm trường hợp đặc biệt là 70 năm, vậy trường hợp này có đặc biệt không”. [3]
Người viết rất tâm đắc với từ “cãi” mà ông Đinh Thế Huynh sử dụng trong phát biểu này. Tuy nhiên cũng cần công bằng khi người ta (cả dân thường và quan chức) buộc phải dùng biện pháp “cãi”.
Đó là khi lãnh đạo nói chưa (hoặc không) đúng, nói hoặc nhận xét có tính quy chụp, thiếu chứng cứ, thậm chí là trái luật.
Mặt khác, người ta “cãi” vì biết rằng “nghiêm túc rút kinh nghiệm” hay cao hơn là khiển trách, cảnh cáo cũng chả ảnh hưởng gì đến vị thế, nhất là “tài khoản” của mình.
Minh chứng rõ nhất là ông Võ Kim Cự sau khi “lên báo cãi mấy câu”, thì sau đó có tin ông trở thành thành viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nếu mà “cãi” tiếp ông sẽ trở thành “ông gì”?
“Cãi” không phải lúc nào cũng sai nhưng “trên bảo, dưới cãi” có phải là trào lưu nên khuyến khích, xem đó như là một biểu hiện của “đổi mới tư duy”?