sâm nguyễn
Thành viên cứng 01692179006
(báo dân việt ) Trong những ngày đỏ lửa 1946, Toàn quốc kháng chiến, ông đã từng nằm trong đội thiếu niên cảm tử chiến đấu bảo vệ Thủ đô, mà người ta vẫn thường gọi với cái tên thân mật là những “vệ út”…
Người ta biết đến ông với tư cách vị giáo sư hàng đầu, duy nhất của làng múa Việt Nam. Nhưng cũng ít người biết, trong những ngày Hà Nội đỏ lửa 1946, Toàn quốc kháng chiến, ông đã từng nằm trong đội ngũ những “vệ út”, len lỏi khắp các hang cùng ngõ hẻm để truyền tin cho cách mạng. Cách mạng nuôi ông lớn khôn, cho ông một con đường, một lý tưởng để sống, chiến đấu cho đến tận bây giờ. Có biết bao điều mà dù muốn cũng không thể nói hết thành lời. Đó là câu chuyện của GS.TS Lê Ngọc Canh.
Hơn 10 tuổi đầu, cậu bé Canh người làng Đa Sỹ- Hà Đông đã phải một mình lên Hà Nội đi ở cho một người chú họ trong làng. Sớm thấm thía cảnh tôi đòi, nên khi có một bác kéo xe tay làm cùng cho chủ nhà hỏi: Cháu có muốn đi làm cách mạng không? Bé Canh dù lúc đó không hiểu hết ý nghĩa của hai từ Cách mạng, nhưng được chỉ cho biết, làm cách mạng thì những đứa trẻ như mình không còn phải chịu cảnh làm thuê từ sớm, được ở cạnh mẹ cha, được ăn, được học, rằng cha mẹ mình sẽ không còn cảnh sớm hôm lam lũ mà không kiếm đủ cái ăn,…cậu đồng ý.
Sau đó cậu đi theo bác kéo xe đến phố Hàng Bạc, gặp ông Tiến Lợi xin gia nhập đội ngũ thiếu niên làm liên lạc tự vệ thành Hoàng Diệu-Hà Nội và được giao nhiệm vụ làm thông tin liên lạc cho các chiến sĩ của ta trong khu vực nội thành. Ấy là vào đầu năm 1945.
Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, Đảng, Chính phủ ta nhận định, giặc Pháp sẽ không dễ dàng từ bỏ, sẽ sớm tìm cách đánh chiếm trở lại nên gấp rút chuẩn bị cho một cuộc kháng chiến kéo dài và quyết liệt trong toàn quốc.
Đến đầu tháng 12/1946, khi việc hòa hoãn giữa hai bên trở nên vô cùng căng thẳng, nhiều gia đình trong nội thành Hà Nội đã di tản ra các vùng lân cận, trong đó có nhà ông chú họ của cậu bé Canh. Tối 16/12, cậu bé Canh một mình quay trở lại Hà Nội để trông nhà cho chú ở phố Hàng Ngang. Lúc này, trên các đường phố Hà Nội đã ngổn ngang những chướng ngại vật, những sập, tủ, bàn ghế,… của người dân giăng ra nhằm cản bước quân thù.
Đến đêm ngày 19/12, người dân bắt đầu nghe thấy tiếng súng ở Pháo Đài Láng nổ liên tiếp, cả Hà Nội sục sôi trong một trận chiến chưa từng có. Tiếng đạn, pháo của ta và địch, tiếng người xung phong chiến đấu. Sau đó, cậu bé tìm đến trụ sở liên lạc. Lúc ấy, các cô, các chú có hỏi thăm: “Đêm qua súng đạn nổ, cháu có sợ không?”, cậu bé trả lời: “Cháu có sợ, nhưng giờ thì không sao cả”.
60 ngày đêm sau đó, cuộc chiến đấu trong thành Hà Nội vô cùng căng thẳng. Lúc ấy, đơn vị ông được đổi thành đội Thiếu sinh quân cảm tử thuộc Trung đoàn Thủ đô. Có khoảng 170 thiếu sinh quân hoạt động truyền thông tin tại 3 khu là khu Đông Kinh, khu Đông Thành và khu Đồng Xuân.
Những “vệ út” trong mùa đông năm 1946.
Những cậu bé liên lạc viên len lỏi khắp các trận địa, xuyên qua những bức tường đổ của những căn nhà để đi từ góc phố này tới góc phố khác, len giữa những làn đạn của ta và địch để truyền tin, truyền lệnh từ trung đội, đại đội, trung đoàn, dẫn bộ đội đi tiếp viện cho các trận địa.
“Lúc ấy, có những trận địa rất căng thẳng như là Trường Ke, Trận Sô Va. Tại Trường Ke, khi địch kéo đến quá đông, quân ta phải xin tiếp viện từ ban chỉ huy, bạn tôi lúc ấy là anh Trần Ngọc Lai khi đó mới 12 tuổi đã một mình luồn qua trận địa về báo cáo được cho đại đội, đại đoàn, tuy nhiên khi về đến nơi thì hy sinh sau một loạt đạn bắn tỉa của địch. Có ai hỏi, chúng tôi chỉ biết trả lời là đau, là thù chứ không sợ”, GS. Lê Ngọc Canh nhớ lại.
Một trong những kỷ niệm mà những người đã trải qua cuộc chiến đấu lịch sử 60 ngày đêm cuối 1946, đầu 1947 tại Hà Nội như GS. Canh khó có thể quên là buổi lễ tuyên thệ “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”: “Lúc ấy, chúng tôi còn quá bé, nên không được tham dự, nhưng cũng cảm nhận được một phần không khí của buổi lễ qua các anh lớn. Phải nói là chúng tôi nhớ nhà, nhớ quê, nhớ cha mẹ lắm. Nhưng càng nhớ, chúng tôi lại càng khắc ghi sống với Hà Nội, chết với Hà Nội, có như thế mới mong sớm có ngày về”.
Giữa làn đạn nổ đầu 1947, một cái tết âm lịch cũng đã diễn ra. GS. Canh còn nhớ, tết ấy chả có gì vì địch bao vây mọi đường tiếp viện, chỉ có chút cơm, ít đường, ít nước mắm, mọi người ngồi bên nhau, bên các chiến lũy để hát về Hà Nội, hát về quê nhà. Các chị y tá đêm xuống bò ra bờ sông Hồng để hái rau lang về cho đơn vị làm quà tết cho anh em. Các “vệ gộc” (bộ đội) cũng nhường nốt phần rau ít ỏi dành cho đám “vệ út” (Thiếu sinh quân cảm tử- liên lạc nhỏ tuổi).
Dù làng đào Nhật Tân sát đó, nhưng một cành cũng không có, các chị y tá lại ngồi cặm cụi cắt giấy dán lên thành cành đào cho có màu tươi thắm của tết. Một cái tết của sự kham khổ, thiếu thốn nhưng đẫm tình người, có những người đã khóc…
Sau 60 ngày đêm chiến đấu ngoan cường, Trung đoàn Thủ đô được lệnh rút quân khỏi Hà Nội bí mật, thần tốc để bảo toàn lực lượng cho cuộc chiến đấu lâu dài. Tối 17/2, các đơn vị thuộc khu Đông Kinh của ông được lệnh có mặt ở đình Phất Lộc nhận nhiệm vụ đặc biệt, không ai biết rằng sẽ rút quân. Ngay sau đó, một số đơn vị được cắt cử làm nhiệm vụ đánh nghi binh, đốt lửa, tung hỏa mù ở nhiều nơi nhằm tập trung sự chú ý của địch để anh em bí mật rút đi.
Giữa gió rét, sương mù và mưa phùn, cả đoàn hàng ngàn người lặng lẽ nối nhau đi trong đêm, không một tiếng động, dưới gầm cầu Long Biên, dọc theo bờ sông Hồng ra đến Chèm, đã có hàng trăm con đò đợi sẵn để chở quân ta sang Vĩnh Phúc, rồi đi tiếp lên Việt Bắc. Những đơn vị làm nhiệm vụ nghi binh cũng nhanh chóng rút lui sau đó.
[/size]
GS. Lê Ngọc Canh và vợ.
Rời Hà Nội, nhìn về phía sau, thấy cả đô thành rực lửa, cảnh tượng đó, nhiều người không kìm nổi cảm xúc, như những câu thơ về một thời khói lửa: “Nhớ đêm ra đi đất trời khói lửa/ Cả kinh thành nghi ngút khói sau lưng” (Chính Hữu). Họ đều hẹn ngày về, bằng mọi giá phải có ngày trở về trong vinh quang và niềm vui, hạnh phúc.
Sau khi lên Việt Bắc, cậu bé Canh ở làng Đa Sỹ được tiếp tục cho học văn hóa, tham gia các phong trào văn nghệ, rồi gắn bó với ngành múa tự thuở nào. Năm 1950, ông xin đi học tại trường sỹ quan lục quân, học pháo binh nhưng do có năng khiếu, lại được điều về văn công của trường.
Đến đầu 1954, đoàn văn công trường sỹ quan lục quân sáp nhập với đoàn văn công Tổng cục Chính trị thành văn công Tổng cục Chính trị. Thời gian này, đơn vị ông nhận được lệnh tích cực tập luyện các tiết mục chuẩn bị cho việc trở về tiếp quản Thủ đô, vừa hành quân vừa tập luyện. Đơn vị mới của ông cũng là một trong những đơn vị đầu tiên có mặt tại Hà Nội trong giờ phút trọng đại của non sông này…
Kỷ niệm về những người “sống mãi với Thủ đô”
Một kỷ niệm khác, GS. Canh và những người trong cuộc cho đến giờ cũng khó có thể quên, ấy là chuyện quân ta ngày nào cũng đặt ra những mật khẩu mới làm hiệu lệnh liên lạc với nhau. Chưa cần gặp mặt, chỉ cần đọc đúng, khớp mật khẩu là có thể khẳng định đồng đội. Lúc ấy, có câu chuyện vui rằng, nhạc sỹ Nguyễn Ngọc Trác (bút danh Lương Ngọc Trác) có khổ người to lớn, trông hao hao “tây” nên khi gặp quân ta, dù đã đọc khớp mật khẩu nhưng những người đối diện vẫn không tin, cho rằng giặc giả dạng, định bắn, ông mới hô vội: “Không phải địch đâu, ta đây, Trác đây”. Chuyện về sau được kể đi kể lại trong toàn quân như một kỷ niệm thú vị trong những ngày Hà Nội quyết tử.
theo:báo dân việt[/size]